Mãn nhãn các set đồ cúng Tết Đoan Ngọ

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhu cầu giao dịch online tăng đột biến, dịch vụ combo set bánh, hoa quả, thậm chí lá tắm nhân dịp Tết Đoan Ngọ được một số nhà bếp, nhà thuốc đông y giới thiệu khá sôi động.

Set hoa dâng lễ Tết Đoan Ngọ tại Bếp Quyên.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ năm nay sẽ diễn ra vào ngày 14/6, tức mùng 5/5 Âm lịch, được nhiều người quan tâm với tấm lòng thành kính mong cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây ngon trái ngọt. Người Việt còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết “giết sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh nên dân gian có tục trừ sâu bọ, côn trùng phòng bệnh.

‘Không chỉ vậy, người Việt xưa ăn Tết vào tháng 11 Âm lịch, gọi là tháng Tí. Vì thế, tháng 5 chính là giữa năm cũng là lúc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa. Thời điểm này, người dân sẽ làm lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng mùa vụ thành công”, TS Trần Long, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Set đồ cúng gồm Rượu nếp, bánh gio, vải Thanh Hà, bánh dân tộc cổ truyền với nguyên liệu tự nhiên như lá dành dành, lá cẩm được Bếp Quyên đăng trên mạng khiến nhiều người thích thú.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 12/6, Quản lý Nhà hàng Bể Cá, chị Nguyễn Thu Hương cho biết: “Mấy ngày nay, lượng khách đặt set hoa quả nhiều vì tiện lợi. Tết Đoan Ngọ năm nay rơi vào thứ 2, ngày thường nên mọi người sẽ phải dậy sớm, mua đồ thắp hương. Để tiết kiệm thời gian cũng như muốn mua trái quả, bánh ngon ưa thích của nhà bếp nên nhiều khách đã đặt online khá sớm”.

Theo chị Thu Hương, đồ khách chọn thắp hương vẫn là trái cây, các loại bánh truyền thống như: Mận, vải, rượu nếp, các loại bánh từ bột nếp, bánh gio. Một số khách muốn mua hạt sen để nấu chè hoặc làm sữa hạt sen để cúng chúng sinh. Đặc biệt, năm nay trái vải được nhiều người chọn vì đều muốn ủng hộ bà con vùng vải thiều chính vụ vào đúng dịp COVID-19.

Do đặc trưng ngày lễ vào đúng sau mùa thu hoạch, nên vật phẩm cúng Tết Đoan Ngọ đều là những món ngon thơm thảo từ gạo nếp và các loại quả mùa hè. Ảnh: NHBC.

Trên trang Facebook cá nhân, nhiều nhà bếp cũng gợi ý nhiều set đồ thắp hương rất đẹp mắt, trong đó điểm nhấn là hoa sen và hoa cau, có nơi còn cắm cả những bông lúa vàng. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc, các set phục vụ ngày Tết Đoan Ngọ không thể thiếu là rượu nếp, rượu nếp cẩm với quan niệm, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.

Tại Bếp Quyên, mâm lễ có giá 590.000 đồng được bày rất hấp dẫn với những vật phẩm truyền thống như: Rượu nếp, bánh gio dẻo quánh chấm cùng mật mía vàng óng; mận hậu Sơn La, vải Thanh Hà, cốm lá me làng Vòng được gói trong lá sen buộc bằng rơm nếp. Những bông sen được gấp cánh và hoa cau xanh được cài xen trong set mâm lễ khiến ai xem cũng trầm trồ khen ngợi.

Hương trầm đươc thắp trong ngày lễ Tết.

“Mâm lễ to nhỏ tùy thuộc điều kiện của gia chủ nhưng có một thứ không thể thiếu là trầu cau. Mâm lễ của Nhà bếp Quyên luôn có miếng trầu têm cánh phượng. Đó là sự kết hợp hài hòa của màu, của vị, của hương như một bức tranh đồng quê thu nhỏ. Mâm lễ sử dụng các vật liệu mây tre đan truyền thống. Dâng lễ xong, người mua có thể tái sử dụng làm trang trí hoặc dùng hàng ngày trong căn bếp của mình cũng rất tuyệt”, đại diện Bếp Quyên cho biết. Hiện, Bếp Quyên có set hoa sen dâng lễ có giá 125.000 đồng; Trà sen xổi giá 50.000 đồng/bông sen trà; Sen hồng Đầm Trị được bán với giá 130.000 đồng/chục bông.

Nhà hàng Bể Cá hiện có những set đồ thắp hương như: Set giá 390.000 đồng bao gồm 2 kg vải thiều Thanh Hà; 0,5 kg mận hậu to; rượu nếp 600 gram (hoa vàng và cẩm); 10 bánh nếp truyền thống bọc lá xanh. Ngoài ra, có sản phẩm như hạt sen Huế nấu chè; nước mơ ngâm đường có giá 220.000 đồng/1,5 lít.

Không chỉ có đồ thực phẩm, hoa quả, Nhà hàng Bể Cá cũng bán thêm các loại hương trầm, trầm tháp, tinh dần thiên nhiên được quảng cáo làm sạch không gian, diệt công trùng “sâu bọ” như: Tinh dầu mùi già có giá 430.000 đồng/lọ; tinh dầu sả 220.000 đồng/lọ chống muỗi kiến, gián, thơm nhà; hương trầm 120.000 đồng/hộp; trầm tháp có giá 230.000 đồng/hộp.

Sản phẩm bánh gio của Nương Bắc.

Trên trang web Nương Bắc, có riêng một danh mục vật phẩm gợi ý cho khách hàng mua thắp hương dịp Tết như: Bánh gio đỏ dài 100.000 đồng/10 chiếc; bánh gio đỏ núi 80.000 đồng/10 chiếc; rượu nếp Tây Bắc 40.000 đồng/hộp 300 gram. Set cúng Tết Đoan Ngọ cỡ lớn có giá 269.000 đồng gồm bánh gio đỏ (tam giác) 5 chiếc; bánh gio đỏ (bánh dài) 5 chiếc; rượu nếp cẩm Tây Bắc; mận hậu loại to 500 gram. Sản phẩm được đóng gói trong mẹt tròn đẹp và gọn gàng để khách hàng có thể bày thắp hương.

Set cúng Tết Đoan Ngọ size lớn, hộp vuông tại Nương Bắc.

Còn tại Madam Nhung Quán Sứ có trưng bày set cúng Tết Đoan Ngọ có giá tiền triệu gồm combo xôi Tú Lệ 3 mầu; rượu nếp; bánh nếp hoặc bánh khoai sọ…; giò lụa truyền thống; chả cốm Tú Lệ. Hộp set nhỏ hơn có giá 730.000 đồng…

Lá uống cho Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 AL của Nhà thuốc Đông y Hoàng Vi – Vĩnh Xuân Trà.

Theo quan niệm người xưa, vào ngày mùng 5/5 Âm lịch, sau khi thụ lộc thắp hương nhân ngày giết sâu bọ, nhiều người sẽ tắm bằng nước đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre để làm sạch, thơm cơ thể. Cách tắm này lại trị được cảm mạo bởi lá mùi là vị thuốc Nam. Ví dụ tại Nhà thuốc Đông y Hoàng Vi vừa ra mắt thị trường gói lá thuốc trong dịp Tết Đoan Ngọ. Theo đó, người dùng mua về để sắc nước uống trong ngày mùng 5/5 Âm lịch.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM