LIÊN KẾT VÙNG TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
Thời gian qua, câu chuyện liên kết vùng đã được nhiều địa phương tích cực triển khai. Rõ nét nhất là thông qua việc đẩy mạnh liên kết, kết nối tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều này cũng góp phần giải quyết được tình trạng “được mùa mất giá” trong nhiều năm qua.
Với mong muốn nâng tầm thương hiệu chè Khe Cốc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), ông Tô Văn Khiêm đã vận động thành lập HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 4 năm, HTX đã mở rộng liên kết được gần 150 hộ trồng và chế biến chè trong vùng. Tất cả đều được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đầu tư vật tư phân bón để nhất quán phương thức sản xuất.
Ông Tô Văn Khiêm – Chủ tịch HĐQT HTX Chè an toàn Khe Cốc, tỉnh Thái Nguyên
“Để cho tên chè Khe Cốc được như ngày hôm nay, nói chung cũng không lan tỏa được rộng nhưng cũng có những sản phẩm chè Khe Cốc được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu như Ba Lan, CH Séc. Thì đấy cũng là nỗ lực rất lớn của bà con nhân dân Khe Cốc chúng tôi cũng như anh em trong hợp tác xã”
Thời gian qua, không chỉ cây chè, rất nhiều các mặt hàng nông sản có thế mạnh khác đã được người dân chủ động liên kết sản xuất, xây dựng thành chuỗi giá trị khép kín đầu vào – đầu ra ổn định và liên tục phát triển.
Bà Nguyễn Thúy Hằng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
“Hiện nay chúng tôi cũng có rất nhiều mô hình của đồng bào dân tộc được thực hiện ví dụ như các mô hình Hợp tác xã dược liệu vừa là cây thuốc nam tại địa phương nhưng sau khi được tập huấn thành lập các câu lạc bộ, được liên kết lại trơ thành những HTX có đầu ra tốt tạo được việc làm cho ng lao động tại địa phương.”
Là huyện miền núi có diện tích lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, toàn huyện Lục Ngạn có 75% diện tích cây ăn trái đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP, hữu cơ. Để có kết quả đó, huyện đã mất nhiều năm triển khai xây dựng thương hiệu cho vùng nguyên liệu rộng lớn. Hỗ trợ cho các HTX đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để mở rộng kênh phân phối, giảm được giá thành đến tay người tiêu dùng vì hạn chế khâu trung gian.
Ông Ngô Văn Liên – Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Hải, tỉnh Bắc Giang
“Rất nhiều đơn vị từ tỉnh đến huyện cũng đưa những công ty thu mua đầu mối về cho xã. Đơn vị cũng được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại đtử bán trên sàn, thông tin đại chúng rất tốt.”
Ông Nguyễn Thế Thi – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
“Hiện này, đã đang có 28.000 ha cây ăn quả, trong đó chương trình liên kết chuỗi liên kết vùng với nhau, không những trong nước kể cả nước ngoài chúng tôi cũng đang đề xuất có những kết nghĩa với các huyện bạn ở nước ngoài. Xây dựng quy chế phối hợp.”
Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết bền vững cũng trở thành chìa khóa mở ra phát triển cho du lịch Việt Nam trong thời gian qua. Nhiều mô hình hợp tác, liên kết du lịch chung đã được các địa phương triển khai một cách hiệu quả. Tại huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), từ khi đầu tư trọng điểm cho “mũi nhọn” du lịch đã góp phần đem lại diện mạo mới cho vùng đất này. Các hộ dân đã cùng nhau xây dựng mô hình du lịch cộng đồng chuyên nghiệp thay vì kinh doanh tự phát như trước đây.
Anh Lý Văn Thu – Chủ Homestay Thành Trung, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình
“Tổ nhóm của dịch vụ homestay có 5 tổ nhóm khác: Tổ nhóm thổ cẩm này, tổ nhóm giấy gió, tổ nhóm đi thăm hang, thăm chè San tuyết này.”
Ông Bàn Văn Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Cao Xuân, huyện Đà Bắc, huyện Hòa Bình
“Xây dựng các mô hình sinh kế có thế mạnh của địa phương để tạo thu nhập ổn định cho các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Cao Xuân. Thời gian tới cũng mong nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi giao thông giao thương hàng hóa cho nhân dân được tốt hơn.”
Không chỉ tập trung xây dựng nguồn nhân lực, điểm đến an toàn, nhiều địa phương còn chủ động kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng. Việc liên kết này sẽ tạo thành thế mạnh nổi trội, đặc sắc, tạo ra nhu cầu liên kết để trao đổi khách du lịch giữa các vùng.
Ông Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa
“Phải khai thác thế mạnh của nhau. Chúng tôi sẽ đưa khách của ĐBSCL đến với Thanh Hóa và ngược lại để kết nối với nhau thành một tua tuyến.”
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ
“Các doanh nghiệp đã có động thái liên kết với nhau và ký kết các nội dung ghi nhớ, có các sản phẩm giới thiệu du lịch cho nhau để các đơn vị giới thiệu đến người dân.”
Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để hướng đến sự phát triển chung. Theo các chuyên gia, tới đây liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho cả nước./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Phạm Tuấn