Khu vườn xanh mát trên sân thượng của chị Nguyễn Thị Hoàng Hà

Chị Hoàng Hà trồng cả trăm loại hoa trái trên sân thượng, mà khi bước lên, nếu không thấy những nóc nhà quanh đó, khách dễ nhầm lạc vào khu rừng rợp cây xanh.

Khi xây nhà năm 2016, chị Nguyễn Thị Hoàng Hà quyết định sử dụng một nửa trong tổng 60 m2 diện tích sân thượng để làm vườn. Người phụ nữ 43 tuổi yêu cầu thợ xây hai bể, kéo ròng rọc đổ đầy đất vào đó và chục bao đất khác để sẵn.

Hai bể bê tông thiết kế mép tây sân thượng, có khoảng trống cách trần hơn gang tay, chuyên trồng những loại cần nhiều đất như bầu bí, mướp, đậu ván.

Còn lại, chị Hà ghép các thùng xốp (từ 2 đến 5 thùng) để tạo thành luống liền nhau, trồng các loại rau xanh. Hiện vườn có dãy năm thùng chia làm hai luống lớn được xếp sát nhau để tiện cho việc thu hoạch và làm đất, lại tiết kiệm diện tích.

Nhà ở Bắc Biên, Ngọc Thụy, gần đê sông Hồng nên đất giàu dinh dưỡng, không phải tốn nhiều công xử lý. Chị trộn đất theo tỉ lệ khoảng 60% đất thịt với trấu, xỉ than, đất tribat sạch, phân trùn quế, phân bò, gà.

Làm đất xong, chị gieo hạt rồi phủ một lớp rơm mỏng hoặc cỏ khô (nếu có), tưới nước rồi đậy lại bằng bất cứ thứ gì phù hợp và sẵn có như vỏ thùng xốp, bao tải, nilon…

Chị Hà không ngâm hạt giống trước khi gieo (trừ rau mùi), vì rắc hạt giống khô đều tay hơn. Sau 2-3 ngày thì lật lớp phủ lên kiểm tra, hạt nảy mầm xanh là mở ra được. Lúc cây còn non nên dùng vải màn che lại, tránh mưa to cây bị dập nát.

Sau mỗi lứa rau củ, chị Hà lật 3/4 đất lên, thêm rác sinh học và phủ một lớp đất tribat trước khi trồng rau mới, không để đất nghỉ. Người mẹ hai con trồng hàng trăm loại rau, hoa quả trên khu vườn. Mùa hè này nhà chị có mướp, rau khoai lang, mùng tơi, rau muống, đậu đũa…

Theo chị Hoàng Hà, ánh sáng và thoát nước tốt là hai yếu tố quyết định để rau, quả phát triển tốt trên sân thượng.

Chị cũng thử trồng dâu tây, khoai lang tím, hành… Dâu tây chị được một người bạn ở Sơn La tặng từ năm 2019, đã sống qua hai mùa hè khắc nghiệt của Hà Nội nhờ đất tốt.

Hành mọc mầm hay mốc, chị tách nhánh, nhét ​​xuống đất, có lá ăn hàng ngày, sau vài tháng có thêm củ. Súp lơ xanh thu hoạch mà xung quanh có mầm, chị giữ chăm tiếp, hơn một tháng là lại có ăn.

Ngoài rau quả, bà chủ vườn trồng thêm các loại hoa hướng dương, hoa nhài, cúc khuy, hoa hồng… Giàn hoa Lan tỏi trồng trong thùng xốp qua chín tháng đã có thể khoe hoa.

Chị Hà hay đứng dưới góc này để vừa tập thể dục, vừa ngắm hoa bung. “Cứ lên vườn là các động tác yoga tôi tập rất nhuần nhuyễn, phải xuống nhà tập khi trời mưa lại không hiệu quả bằng. Có lẽ cây cối mang lại nhiều năng lượng tích cực hơn”, chị đúc rút.

Đa số các loại hoa chị xin hạt hoặc giống từ những lần đi chơi. Đám hoa cúc khuy màu tím mọc quanh hoa nhài được lấy hạt khi chị leo núi Tây Yên Tử, bạc hà, tía tô, lá é, lá thơm, bạc hà Pháp được xin trên trang trại ở Bắc Giang …

Đám hoa bướm rực rỡ một góc này là kết quả sau lần bà chủ vườn nhổ cây con ở bãi xe ở một khu nghỉ dưỡng về trồng.

Đây là một trong những bức ảnh vườn sân thượng của chị Hoàng Hà nhận nhiều lượt thích của cộng đồng thích trồng cây. Ngoài lên nhóm giới thiệu về vườn nhà, chị Hà còn chia sẻ kinh nghiệm.

Mỗi chiều, sau giờ làm việc chị Hà lại lên tưới cây, hít thở không khí trong lành.

Gia đình bốn thành viên, nhưng khoảng ba ngày nhà chị mới phải đổ rác một lần. Ở góc vườn có 3 thùng lớn để tích rác nhà bếp. Chị trữ rác, đậy thùng đợi đến khi làm đất sẽ bổ sung xuống đáy.

“Rác tươi cũng có thể phân hủy, không bốc mùi khi được lấp một lớp đất dày lên. Làm vậy sẽ bớt rác thải sinh học lại có rau sạch, đủ dinh dưỡng để ăn. Nhưng nếu nhà có chuột thì không áp dụng cách này được, vì chuột rất dễ làm tổ dưới thùng”, chị chia sẻ kinh nghiệm.

Không chỉ ngắm hoa, thưởng rau quả, mỗi khi lên sân thượng, chị Hà được thấy ong kéo đến thu hút mật, ngắm chim sẻ đậu trên dây quanh vườn. Buổi tối, vừa ngắm được sen nở, chủ vườn cũng được nghe tiếng ếch nhái kêu.

Mùa nào thức nấy, chỉ cần bước lên sân thượng, gia đình chị Hà đã được thưởng thức những loại rau quả sạch, tốt cho sức khỏe.

“Cách làm vườn của tôi không tốn nhiều chi phí nên phù hợp với mong muốn và khả năng của đa số mọi người. Quan trọng là chịu dành chút thời gian, có tình yêu với cây cối và không sợ sâu bọ”, nữ nhân viên văn phòng, nói.

Phạm Nga
Ảnh nhân vật cung cấp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM