Bảo đảm sức khỏe tinh thần và thể chất khi cách ly tại nhà

Tự cách ly có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Nhưng điều đó không có nghĩa là đối phó với sự gián đoạn trong thói quen bình thường của bạn là việc dễ dàng.

Hãy thiết lập những thói quen tốt khi có sự thay đổi trong thời khóa biểu sinh hoạt

Thiết lập những thói quen

Gián đoạn các thói quen bình thường hàng ngày là một trong những vấn đề khó khăn nhất của tự cách ly, khiến bạn cảm thấy mất phương hướng khi cố gắng tìm cách “lấp đầy” khoảng trống thời gian trong ngày. Nếu đang làm việc tại nhà, sẽ có ích để sắp xếp thời gian giống như một ngày làm việc bình thường. Nhưng nếu trong nhà có những thành viên khác, bao gồm trẻ em, lúc này cũng ở nhà, có thể là một thử thách.

Nếu đang cố gắng tìm cho trẻ những thứ để giải trí trong thời gian ở nhà, thậm chí cố gắng duy trì mọi sinh hoạt trong gia đình, điều quan trọng là tìm một thói quen phù hợp. Lên kế hoạch các hoạt động sẽ khiến mọi người bận rộn, để bạn có thể hoàn thành công việc của mình. Tạo ra một thời gian biểu hàng ngày, nhưng không cứng nhắc, và thực hiện các thói quen của riêng bạn, để tránh cảm giác đơn điệu.

Hãy năng động

Ngưng hoạt động thể chất, dù trong thời gian ngắn, cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Nghiên cứu cho thấy, chỉ cần 2 tuần không hoạt động dễ dẫn đến giảm khối lượng cơ và các hiệu ứng chuyển hóa trong cơ thể. Trong khi đó, sự năng động đem lại tâm trạng tốt hơn và giúp duy trì thể lực, xua tan cảm giác khó chịu và buồn chán khi ở nhiều ngày trong nhà. Để giữ vóc dáng, hãy chọn các video bài tập, tập luyện trực tuyến hoặc các ứng dụng thể dục.

Chống lại cảm giác buồn chán

Cố gắng duy trì thói quen hàng ngày, càng nhiều càng tốt. Tiếp tục làm việc với các dự án hoặc tìm các hoạt động mới để lấp đầy thời gian trống, cho dù là sắp xếp lại kệ sách hoặc thử một sở thích sáng tạo mới. Sự hoàn thành công việc giúp đem lại ý thức về mục đích và năng lực, tạo cho bạn hứng thú làm việc và điều gì đó để mong đợi mỗi ngày. Do vậy, hãy lập một kế hoạch, liệt kê những thứ muốn làm, sau đó bắt đầu kiểm tra một vài điều trong danh sách của bạn mỗi ngày.

Duy trì giao tiếp

Giữ liên lạc với những người khác không chỉ giảm sự nhàm chán mà còn bớt đi cảm giác bị cô lập. Hãy giữ liên lạc với bạn bè và gia đình bằng điện thoại và tin nhắn. Tiếp cận với những người khác trên phương tiện truyền thông xã hợi. Nếu có thể, hãy tham gia một nhóm hỗ trợ hoặc ban thảo luận, dành riêng cho người đang cách ly. Việc nói chuyện với những người khác đang trải qua điều tương tự có thể đem lại cảm giác dễ chịu hơn.

Cập nhật thông tin nhưng không căng thẳng

Chúng ta có xu hướng trải nghiệm sự lo lắng nhiều hơn khi không được truy cập thông tin mình cần. Hơn nữa, cảm giác hoảng loạn có thể xuất phát từ các thông tin tiêu cực, thiếu chính xác. Thay vì dành thời gian để theo dõi tin tức, hãy tập trung vào thông tin hữu ích, từ những nguồn đáng tin cậy, chẳng hạn như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tổ chức  Y tế thế giới (WHO), các cơ sở y tế thành phố, địa phương, và bác sĩ.

Nghĩ đến điều đang làm

Khi cảm thấy thất vọng, gò bó, hãy suy nghĩ về lý do tại sao bạn tự cách ly. Nếu có nguy cơ lây nhiễm vi rút corona, việc tránh xa những người khác là một hành động vị tha, giảm thiểu khả năng vô tình lây bệnh cho người khác, ngay cả khi không có triệu chứng bệnh.

Bằng cách đóng góp một phần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bạn đang bảo vệ những người khác và bảo đảm những người mắc bệnh có cơ hội chữa khỏi bệnh hơn. Đôi khi, việc nhắc nhở bản thân về những lý do đó khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Ca Dao

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM