Sàn giao dịch nợ của VAMC chính thức đưa vào hoạt động

411

Ngày 15/10, Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tổ chức công bố đưa Chi nhánh Sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động chính thức.

Ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, Chi nhánh Sàn giao dịch nợ VAMC được thành lập vào thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều hoạt động kinh tế, ngân hàng nói chung bị trì hoãn. Nhưng VAMC đã quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, sớm đưa sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính thức để kịp thời thực hiện sứ mệnh hỗ trợ việc mua, bán, cơ cấu nợ cho các tổ chức tín dụng và khách hàng.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, nhiệm vụ của sàn giao dịch nợ là trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ. Các giao dịch của sàn giao dịch nợ phải luôn đảm bảo công khai, minh bạch và khách quan theo đúng quy định của pháp luật.

Mô hình sàn giao dịch nợ là một công cụ tuy mới mẻ nhưng rất hữu ích trong nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn cả thế giới bị ảnh hưởng sâu rộng bởi đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động.

Khi có hàng hóa, sàn sẽ rà soát, đánh giá lại về thông tin khoản nợ để cung cấp các dịch vụ liên quan như tư vấn hồ sơ, hợp đồng, thủ tục mua, bán. Sàn này cũng có thể tư vấn cho khách hàng giải quyết nợ xấu bằng cách tái cấu trúc khoản nợ, giúp doanh nghiệp có nợ xấu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn để tiếp tục trả nợ.

Vamc

VAMC chính thức đưa vào hoạt động sàn giao dịch nợ. Ảnh: VAMC

Thông qua việc sử dụng các chức năng tư vấn, môi giới sàn giao dịch nợ VAMC sẽ hỗ trợ và kết nối người mua và người bán có nhu cầu thật sự để gặp nhau, thương thảo và đi đến hợp tác toàn diện để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Thành viên tham gia sàn bao gồm: VAMC, các tổ chức tín dụng, các công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng và các công ty mua bán nợ trong nền kinh tế theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh các dịch vụ mua bán nợ như môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ, hoạt động mua bán nợ, sàn giao dịch nợ và chính sách quản lý của nhà nước với hoạt động mua bán nợ nếu đáp ứng được điều kiện của sàn.

Bên cạnh các đối tượng trên, sàn giao dịch nợ VAMC còn có sự tham gia của các đối tác trung gian như: tổ chức thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức môi giới, tư vấn…

Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ hai nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường. Nguồn thứ hai là từ tổ chức tín dụng và từ các công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, trong thời gian tới, VAMC sẽ tiếp tục hoạt động theo hướng không vì mục tiêu lợi nhuận với vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bình Minh/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM