Nhu cầu mua xe đạp tăng cao mùa dịch

Những mẫu xe đạp thể thao phổ thông được tiêu thu mạnh hơn 1 tháng nay do phòng gym đóng cửa, nhu cầu tập luyện của người dân tăng lên.

Hơn 10h sáng 3/6, trong cái nắng oi ả ngày đỉnh điểm ở Hà Nội, Hoàng vẫn miệt mài lắp, đóng hộp những chiếc xe đạp thể thao để giao cho khách đã đặt hàng trước. Khoảng một tháng nay, khi các trung tâm thể thao, phòng gym đóng cửa vì Covid-19, Hoàng không ngày nào ráo mồ hôi, thậm chí có những ngày tất bật đến tối mịt.

Theo nhân viên bán hàng kiêm kỹ thuật viên của một cửa hàng xe đạp ở Hà Nội này, lượng xe đạp bán ra tháng qua tăng 200-300% so với những tháng trước đó. Trung bình một ngày Hoàng lắp giao khách khoảng 15-17 xe, có những ngày cao điểm số lượng xe bán ra lên tới 25 chiếc.

Cửa hàng bán nhiều loại xe, tuy nhiên lượng tiêu thụ chủ yếu là các mẫu thể thao phổ thông dành cho người lớn. Các loại xe đạp giá khoảng 3-5 triệu đồng được nhiều người lựa chọn.

Nhân viên một cửa hàng lắp ra xe đạp cho khách.

“Những mẫu xe đạp thể thao phổ thông được nhiều người lựa chọn vì nhu cầu đi ít và như một loại hình tập luyện tạm thời”, Hoàng cho biết.

Tại một cửa hàng khác ở Hà Nội, lượng xe đạp bán ra trong khoảng một tháng gần đây cũng tăng đột biến và có phần giống với thời điểm Covid-19 bùng phát năm ngoái. “Những mẫu xe giá khoảng 5-7 triệu được nhiều người tìm mua trong thời gian này để tập luyện, đi lại hàng ngày. Trong khi đó, các dòng xe từ 14 triệu trở lên được những người chơi xe bán chuyên và chuyên nghiệp lựa chọn”, nhân viên kinh doanh tại đây cho biết.

Nhu cầu tăng cao khiến giá xe đạp tăng. “Nhu cầu thị trường tăng cao, khiến giá cung cũng được đẩy lên theo. So với thời điểm trước Covid-19, giá xe tăng khoảng 10%, thậm chí có những dòng xe tăng giá đến 30% do hạn chế nguồn cung”, Hoàng cho biết.

Tuy nhiên, dịch bệnh chỉ là một yếu tố tạm thời tác động đến thị trường xe đạp. Mảng kinh doanh này được đánh giá có tiềm năng bùng nổ trong thời gian tới vì phù hợp với phong cách sống xanh, thói quen rèn luyện sức khỏe, mức thu nhập của tầng lớp trung lưu, xu hướng phát triển hạ tầng đô thị…

Xe đạp được bay bán tại một cửa hàng ở Hà Nội.

Bên cạnh những thương hiệu đã xây dựng chuỗi cửa hàng bán xe đạp từ trước như Aeon, Vòng Xanh, tiềm năng của ngành này đã kéo theo những gương mặt mới thử sức, như trường hợp của Thế Giới Di động (TGDĐ).

Chuỗi bán lẻ này đã thử nghiệm bán xe đạp tại hai cửa hàng ở TP HCM và bước đầu cho những kết quả khả quan. Doanh số trung bình ngày đạt khoảng 15 xe ở mỗi điểm bán hàng có thể coi là tín hiệu tốt. TGDĐ dự tính sẽ mở rộng mô hình này nếu thị trường thuận lợi và duy trì đà phát triển như hiện nay.

“Thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,4 đến 2,5 triệu xe đạp mỗi năm, giá trị khoảng 6.000 đến 7.000 tỷ đồng. Nếu việc kinh doanh tiến triển, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình kinh doanh và tận dụng tiếp các mặt bằng sẵn có để kinh doanh”, đại diện TGDĐ chia sẻ.

Về lâu dài, xe đạp là một ngành kinh doanh bền vững, ổn định và có tiềm năng phát triển hơn nữa, nhất là khi nhu cầu nâng cao đời sống thể chất của người dân tăng lên. Tuy nhiên, sức mua tăng vọt giữa Covid-19, dù chỉ mang tính thời điểm, cũng khiến những nhân viên như Hoàng cảm thấy may mắn hơn nhiều ngành nghề khác đang gặp khó vì dịch bệnh.

Thiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM