Khẩn cấp hỗ trợ dân để giữ nguồn nhân lực lâu dài

341

Mặc dù chưa có con số thống kê cũng như đánh giá tác động của hiện tượng người dân từ các vùng dịch phía nam ồ ạt trở về quê trong những ngày qua, nhưng nhiều nguy cơ đã hiện hữu cả ở góc độ sức khỏe và tài chính. Bài toán đặt ra cho chính quyền các địa phương ngay thời điểm này là bằng mọi giá phải lo cho đời sống người dân, giữ lại lực lượng sản xuất, không để ảnh hưởng đến nguồn nhân lực lâu dài.

Nhan Luc

Sản xuất các sản phẩm dệt may xuất khẩu tại Công ty May Ðồng Nai

Thiết lập mạng lưới hỗ trợ đến từng nhà

Cũng như nhiều người khác, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh không cầm được những giọt nước mắt khi tiếp nhận thông tin về hoàn cảnh người dân phải vội vã trở về quê hương bản quán để tránh dịch, tránh đứt bữa trong những ngày qua. Hành trình trở về này, người dân đã phải đối mặt với rất nhiều rủi ro ở phía trước do không bảo đảm an toàn về quá trình đi lại, sinh hoạt, sức khỏe và những chi phí tối thiểu khác. Tình hình chỉ tạm lắng xuống khi Chính phủ có Công điện hỏa tốc số 1063/CÐ-TTg yêu cầu lãnh đạo các địa phương thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết thực hiện giãn cách.

Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Trần Hoàng Ngân gửi gắm những người dân các địa phương đang sinh sống, lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh: “Về quê là việc hết sức bình thường nhưng không phải trong lúc này. Là người dân thành phố, tôi hiểu các bạn đang lo lắng rất nhiều về nguy cơ nhiễm bệnh, không có thu nhập để trả tiền ăn uống, chi phí hằng ngày. Nhưng mong các bạn hãy bình tĩnh ở lại, TP Hồ Chí Minh kiên quyết không bỏ rơi bất cứ ai”.

Cơ sở để ông Trần Hoàng Ngân gửi đi thông điệp này là nỗ lực chống dịch của TP Hồ Chí Minh đang rõ nét hơn: Nguồn vắc-xin được Chính phủ ưu tiên phân bổ và năng lực tiêm chủng đã nâng lên 100 nghìn liều/ngày; hàng chục bệnh viện được đầu tư thần tốc với sự chung sức về cơ sở vật chất và con người của tuyến Trung ương. Công tác cứu trợ người dân cũng có chuyển biến lớn khi thành phố bắt đầu thiết lập mạng lưới hỗ trợ đến tận nhà, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Trong khi đó, chi phí điện, nước, viễn thông đang được Chính phủ chỉ đạo giảm; tiền thuê nhà có nơi bắt đầu không thu để chia sẻ khó khăn với người lao động,… “Có rất nhiều nguyên nhân thúc đẩy các bạn về nhưng “ai ở đâu ở đấy” lúc này là yêu nước. Ngay cả khi vẫn quyết định về quê hương, các bạn hãy chờ được tiêm vắc-xin và chỉ lên đường khi có sự phối hợp tổ chức của chính quyền. Hãy nghĩ đến lực lượng y, bác sĩ đang rất vất vả, mệt mỏi và đói lả, nhưng chỉ cần thấy người bệnh là lao vào cấp cứu, để chung sức chia sẻ với tuyến đầu”, ông Trần Hoàng Ngân kêu gọi.

Ông Nguyễn Quang Ðồng, chuyên gia nghiên cứu chính sách công, nhận định: Người dân phải về quê lúc này là đường cùng, họ không thể tiếp tục duy trì cuộc sống ở vùng dịch với đôi bàn tay trắng và thu nhập bằng 0. Muốn dân ở lại, không cách nào khác là cơ quan chức năng phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và có thông điệp rõ ràng về chính sách cứu trợ nhu yếu phẩm, thậm chí phát tiền mặt để người dân không đứt bữa, đói ăn và có tiền trang trải các chi phí tối thiểu cho cuộc sống. Việc cứu trợ phải được duy trì đến khi dịch bệnh được kiểm soát, trước mắt là một tháng và sau đó có thể phải thực hiện dài hơi hơn, tùy diễn biến phòng, chống dịch.

Nguy cơ thiếu hụt lao động

Trước khi Chính phủ có Công điện 1063/CÐ-TTg, một số tỉnh miền trung đã thông báo ngừng tiếp nhận người dân từ vùng dịch trở về vì hệ thống y tế đã quá tải, không đủ khả năng tổ chức cách ly tập trung. Chuyên gia Nguyễn Quang Ðồng cho rằng, trách nhiệm của địa phương là phải tiếp nhận công dân trở về, nếu thiếu nguồn lực thì xin hỗ trợ từ Chính phủ. “Cái khó của người đứng đầu địa phương là phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch nhưng nhiều nơi năng lực có hạn. Ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ ngay cho các tỉnh nghèo để giải bài toán cứu trợ. Chính sách lúc này phải được thực hiện theo tình trạng khẩn cấp, thậm chí có thể chấp nhận việc chi sai đối tượng ở mức độ nào đó thì mới không bỏ sót”, ông Nguyễn Quang Ðồng nhấn mạnh. PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trách nhiệm giúp dân “ai ở đâu ở đấy” thuộc về cả hai nơi. Chính quyền nơi cư trú cần giải ngân nhanh gói hỗ trợ an sinh xã hội đến tay người dân. Còn các tỉnh là quê nhà, tùy vào năng lực mà hỗ trợ lương thực, thực phẩm hoặc tiền mặt cho những người dân của mình đang sinh sống ở vùng dịch thông qua Hội đồng hương hoặc các tổ chức xã hội. Như vậy, không chỉ giảm tải cho vùng dịch mà các tỉnh miền trung cũng tránh được nguy cơ lây nhiễm và gánh nặng có thể tạo ra nếu người dân tiếp tục hồi hương. PGS, TS Phạm Thế Anh cũng lưu ý, việc người dân ồ ạt di chuyển khỏi nơi cư trú như những ngày vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực lâu dài tại các khu kinh tế trọng điểm phía nam. Ðồng thời tạo gánh nặng giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho các tỉnh có lao động hồi hương. “Tại các vùng kinh tế, không phải sau này khi kiểm soát được dịch bệnh, tổ chức sản xuất trở lại là gọi ngay được công nhân quay về. Người lao động khi đã phải chạy dịch thì rất sợ cuộc sống bấp bênh, họ chỉ trở lại khi dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát, doanh nghiệp hoạt động ổn định. Thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất,… trong thời gian tới là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Không có lao động để sản xuất, sẽ không phát triển kinh tế và không thể có đóng góp vào ngân sách. Cho nên, tổn hại về kinh tế của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai,… sẽ rất lớn nếu hiện nay không gắng hết sức để giữ chân người lao động”, chuyên gia Phạm Thế Anh cảnh báo.

Khó khăn về thiếu hụt nguồn lực lao động lớn đang là nguy cơ nhãn tiền đối với ngành dệt may, một ngành thâm dụng lao động lớn nhất hiện nay. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Ðức Giang cho biết, trong dòng người ồ ạt về quê những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, có rất nhiều lao động của ngành dệt may. Họ là người phải nghỉ việc/giãn việc, không đủ khả năng trụ lại được trong các xóm trọ. Hiện các doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng đến quý IV năm 2021 và đầu năm 2022 nhưng lo ngại khi sản xuất phục hồi chỉ có thể gọi lại được khoảng 60% số lao động đã về quê, làm chậm tiến độ giao hàng và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế.

Minh Hà/TH
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM